Hiện nay, tình trạng học sinh vi phạm quy định pháp luật về an toàn giao thông (ATGT) diễn ra khá phổ biến; nhất là các hành vi: dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe…
Một học sinh điều khiển xe kè một học sinh khác đi trên đường Nguyễn Ái Quốc, gần vòng xoay ngã tư Tân Phong (TP.Biên Hòa). Ảnh: Minh Thành |
Các vi phạm này là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) với học sinh.
* “Thót tim” vì học sinh chạy xe ẩu
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Đồng Nai, mỗi sáng khi đi trên đường Nguyễn Ái Quốc (từ ngã tư Tân Phong, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đến vòng xoay Cầu Hang (P.Hóa An, TP.Biên Hòa) hoặc đường Phạm Văn Thuận, đoạn từ ngã tư Vincom đến khu vực P.Bình Đa (TP.Biên Hòa), có rất nhiều xe máy, xe đạp điện do học sinh cầm lái chạy ngược chiều, phóng nhanh, vượt ẩu qua các loại xe lớn. Không chỉ vậy, nhiều học sinh còn không đội mũ bảo hiểm, chạy dàn hàng ngang trên đường, thậm chí có học sinh THCS (vẫn đeo khăn quàng đỏ) đi xe máy trên đường.
Không chỉ vậy, các tuyến đường trên đi ngang qua những giao lộ lớn của nội thành Biên Hòa như: ngã tư Tân Phong, ngã tư Vincom, ngã tư Cầu Mới… với lưu lượng xe cộ lưu thông đông đúc, trong đó có nhiều xe ô tô nên luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra va chạm giao thông nếu học sinh điều khiển xe đạp điện, xe máy chạy ẩu trên đường.
Anh Bùi Minh Sang (ngụ P.Tân Phong) cho biết: “Nhiều học sinh tự chạy xe máy, xe máy điện và cả xe trên 50cc đến trường nhưng không tuân thủ pháp luật giao thông. Không ít em còn lạng lách, nô đùa trên đường và không giữ khoảng cách an toàn với các xe xung quanh, rất dễ xảy ra va chạm giao thông. Hậu quả sẽ khôn lường”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT HOÀNG MINH SƠN:
Đề nghị làm rõ trách nhiệm phụ huynh giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện
Trong chương trình giáo dục cả chính khóa lẫn ngoại khóa từ trước đến nay vẫn luôn chú trọng việc giáo dục cho học sinh các kiến thức về ATGT. Tuy nhiên, việc giáo dục không phải chỉ dạy các em, mà còn phải thường xuyên uốn nắn, theo dõi, nhắc nhở các em. Nhà trường, các thầy cô giáo phải có trách nhiệm đầu tiên trong việc củng cố ý thức về ATGT cho học sinh.
Cùng với đó, chúng tôi cho rằng, vai trò của gia đình rất quan trọng. Nếu người lớn trong gia đình nghiêm túc chấp hành quy định về ATGT khi chở con em đi học thì chắc chắn các học sinh này sẽ hình thành được ý thức tuân thủ pháp luật khi tự tham gia giao thông sau này.
Vì vậy, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết trong chương trình giáo dục chính khóa, hoạt động ngoại khóa; đồng thời, đề xuất xử lý nghiêm cả học sinh đi xe máy khi chưa đủ điều kiện (độ tuổi và giấy phép lái xe) và xử lý cả trách nhiệm của phụ huynh khi giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện.
Thứ trưởng Bộ GT-VT LÊ ĐÌNH THỌ:
Tổ chức tốt giao thông trước cổng trường
Học sinh cần sự quan tâm của toàn xã hội vì đây là đối tượng ưu tiên, đòi hỏi phải có những biện pháp để bảo đảm an toàn hơn nữa cho học sinh. Trong đó có việc phát huy vai trò của các đoàn thể, chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho học sinh.
Ngành GT-VT sẽ cùng ngành GD-ĐT tiếp tục nghiên cứu tổ chức tốt giao thông từ cổng trường, nhất là những trường học được xây dựng trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ. Đặc biệt vào khung giờ cao điểm trong ngày, đảm bảo hạn chế tình trạng ùn tắc, phức tạp về giao thông trước trường học.
Đăng Tùng (ghi)
Tình trạng nêu trên gần như diễn ra từ thành thị đến nông thôn, tập trung nhiều trên các tuyến đường có các trường THPT. Thực tế trong 10 tháng của năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã lập hơn 1,6 ngàn biên bản vi phạm giao thông liên quan đến học sinh; xử phạt hơn 1 tỷ đồng; tạm giữ 819 phương tiện các loại. Một số hành vi vi phạm chủ yếu là: chạy quá tốc độ (332 trường hợp), không đội mũ bảo hiểm (300 trường hợp), không có giấy phép lái xe (126 trường hợp), chưa đủ tuổi lái xe (121 trường hợp)…
Ngoài ra, thống kê từ Bộ Công an cho thấy, trong 10 tháng của năm 2023, trên toàn quốc có 737 vụ TNGT do học sinh, thiếu niên đi bộ hoặc lái xe gây ra, làm chết 378 người, bị thương 658 người. Về phương tiện điều khiển liên quan đến các vụ TNGT, chủ yếu vẫn là xe máy có dung tích xi lanh từ 50-175cc (71,31%) và xe máy có dung tích xi lanh dưới 50cc (15,93%).
Điều đáng quan tâm, dù các trường học đã liên tục tổ chức tuyên truyền cho học sinh và đề nghị phụ huynh cam kết chấp hành quy định về ATGT nhưng tình trạng học sinh vi phạm giao thông vẫn còn nhan nhản. Cơ quan chức năng nhận định nguyên nhân là do một bộ phận phụ huynh, người thân còn thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong quản lý học sinh, chưa nêu gương trong chấp hành nghiêm các quy định về trật tự ATGT. Đặc biệt, nhiều phụ huynh khi chở con em trên xe vẫn không cho trẻ đội mũ bảo hiểm; vô tư vượt đèn đỏ; đã uống rượu, bia mà vẫn lái xe… Điều này tác động tiêu cực đến ý thức và hành vi của học sinh trong việc chấp hành pháp luật về giao thông.
Theo cơ quan công an đánh giá, thực trạng trên một phần là do các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Nhiều học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng tự bảo vệ bản thân khi tham gia giao thông; nhiều phụ huynh, nhà trường chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về giao thông cho học sinh.
* Xây dựng kỹ năng cho học sinh
Để đề ra giải pháp đảm bảo ATGT cho học sinh, ngày 2-11, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an và Ủy ban ATGT Quốc gia tổ chức hội nghị chuyên đề về đảm bảo ATGT đối với học sinh. Lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đề nghị các giải pháp tăng cường trách nhiệm của ngành Giáo dục, ngành GT-VT trong việc xây dựng thói quen tham gia giao thông an toàn cho học sinh (bên cạnh việc xử lý vi phạm thực hiện thường xuyên).
Theo thống kê từ Bộ Công an, phương tiện phù hợp với lứa tuổi học sinh điều khiển tăng nhanh, qua theo dõi số liệu đăng ký xe máy và xe máy điện thì trung bình mỗi năm số lượng phương tiện đăng ký mới tăng khoảng 0,3%. Trong 10 tháng của năm 2023, số xe máy (có dung tích xi lanh dưới 50cc) đăng ký mới hơn 213 ngàn xe; số xe máy điện đăng ký mới hơn 155 ngàn xe. |
Tại hội nghị này, Phó thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Trần Lưu Quang yêu cầu phải tăng cường trách nhiệm của ngành Giáo dục, Ban giám hiệu các trường học trong đảm bảo ATGT cho học sinh. Có thể xem xét đưa nội dung ATGT cho học sinh trở thành một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành cuối năm của các trường.
Để làm được việc này, Bộ Công an đề xuất tuyên truyền cá biệt hoặc đẩy mạnh ứng dụng mạng xã hội để các em học sinh dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện. Nội dung tuyên truyền tập trung trang bị cho học sinh các kỹ năng điều khiển phương tiện, kỹ năng khi đi trên phương tiện thủy và khi đi qua đường ngang giao nhau với đường sắt, kỹ năng xử lý tình huống trên đường…
Học sinh băng ngang ngã ba Nguyễn Ái Quốc – Lê Thoa (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) giữa dòng xe qua lại tấp nập rất nguy hiểm. Ảnh: M.Thành |
Tại Đồng Nai, trước mắt, Công an TP.Biên Hòa sẽ tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý học sinh vi phạm điều khiển xe máy khi chưa đủ điều kiện, chưa có giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ… Riêng với các hành vi cố ý, vi phạm có tổ chức, tái phạm nhiều lần phải xem xét, xử lý nghiêm để răn đe, phòng ngừa chung.
Chị Mai Thị Tú Trinh (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) đề xuất, việc xử lý học sinh vi phạm trật tự ATGT cần phải có sự phối hợp giữa lực lượng chức năng với nhà trường. Mà cụ thể là phải quy định rõ ràng về đầu mối tiếp nhận thông tin vi phạm đối với nhà trường, quy trình xử lý trong nhà trường, chuyển thông tin cho gia đình cùng giáo dục, tăng trách nhiệm của gia đình… Có như vậy mới xây dựng được ý thức chấp hành quy định giao thông với cả phụ huynh và học sinh.
Nguồn: https://baodongnai.com.vn/