Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán là một quy định quan trọng trong Luật Doanh nghiệp. Quy định này nhằm đảm bảo tính minh bạch và an toàn tài chính, đồng thời ngăn ngừa các rủi ro liên quan đến việc phát hành chứng khoán mà doanh nghiệp tư nhân có thể gặp phải. Hãy cùng ACC Đồng Nai tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 quy định như sau: Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
2. Chứng khoán là gì?
Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật chứng khoán quy định về khái niệm chứng khoán như sau:
Chứng khoán là tài sản, bao gồm các loại sau đây:
- Cổ phiếu, trái phiếu, chứng chỉ quỹ;
- Chứng quyền, chứng quyền có bảo đảm, quyền mua cổ phần, chứng chỉ lưu ký;
- Chứng khoán phái sinh;
- Các loại chứng khoán khác do Chính phủ quy định.
Như vậy, có thể thấy chứng khoán là tài sản, trong đó bao gồm các loại chứng khoán được quy định chi tiết từ khoản 2 đến khoản 9 Điều 4 Luật chứng khoán 2019 như sau:
- Cổ phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần vốn cổ phần của tổ chức phát hành.
- Trái phiếu là loại chứng khoán xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
- Chứng chỉ quỹ là loại chứng khoán xác nhận quyền sở hữu của nhà đầu tư đối với một phần vốn góp của quỹ đầu tư chứng khoán.
- Chứng quyền là loại chứng khoán được phát hành cùng với việc phát hành trái phiếu hoặc cổ phiếu ưu đãi, cho phép người sở hữu chứng quyền được quyền mua một số cổ phiếu phổ thông nhất định theo mức giá đã được xác định trước trong khoảng thời gian xác định.
- Chứng quyền có bảo đảm là loại chứng khoán có tài sản đảm bảo do công ty chứng khoán phát hành, cho phép người sở hữu được quyền mua (chứng quyền mua) hoặc được quyền bán (chứng quyền bán) chứng khoán cơ sở với tổ chức phát hành chứng quyền có bảo đảm đó theo mức giá đã được xác định trước, tại một thời điểm hoặc trước một thời điểm đã được ấn định hoặc nhận khoản tiền chênh lệch giữa giá thực hiện và giá chứng khoán cơ sở tại thời điểm thực hiện.
- Quyền mua cổ phần là loại chứng khoán do công ty cổ phần phát hành nhằm mang lại cho cổ đông hiện hữu quyền được mua cổ phần mới theo điều kiện đã được xác định.
- Chứng chỉ lưu ký là loại chứng khoán được phát hành trên cơ sở chứng khoán của tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
- Chứng khoán phái sinh là công cụ tài chính dưới dạng hợp đồng, bao gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn, trong đó xác nhận quyền, nghĩa vụ của các bên đối với việc thanh toán tiền, chuyển giao số lượng tài sản cơ sở nhất định theo mức giá đã được xác định trong khoảng thời gian hoặc vào ngày đã xác định trong tương lai.
3. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán?
Căn cứ khoản 2 Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 quy định: Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
Như vậy doanh nghiệp tư nhân không được phép phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào, nếu như chủ doanh nghiệp vẫn muốn kêu gọi vốn đầu tư từ các tổ chức, cá nhân khác để phát triển kinh doanh thì có thể lựa chọn giải pháp thay đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.
Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán bởi các nguyên do sau:
Thứ nhất, doanh nghiệp tư nhân là loại hình kinh doanh thường có sự hạn chế về vốn điều lệ, quy mô hoạt động và số lượng thành viên. Bởi doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nghĩa là giữa tài sản của chủ doanh nghiệp và doanh nghiệp không có sự phân định rõ ràng cho nên nếu doanh nghiệp tư nhân phát hành chứng khoán thì không phân định được tỉ lệ gánh chịu rủi ro giữa chủ doanh nghiệp và những nhà đầu tư chứng khoán.
Thứ hai, do không có tư cách pháp nhân nên mức độ rủi ro của chủ doanh nghiệp tư nhân cao, chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của doanh nghiệp chứ không giới hạn số vốn mà chủ doanh nghiệp đã đầu tư vào doanh nghiệp.
Thứ ba, chứng khoán là bằng chứng xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với tài sản hoặc phần vốn của tổ chức phát hành. Theo điều này thì việc doanh nghiệp nghiệp tư nhân phát hành chứng khoán sẽ trái với quy định pháp luật về việc doanh nghiệp tư nhân do cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp tại khoản 1 điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020.
Như vậy, doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp vẫn có thể mở rộng phạm vi kinh doanh bằng cách nhân danh cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân để kêu gọi vốn từ các tổ chức, cá nhân khác đầu tư vào doanh nghiệp,… với điều kiện phải thay đổi loại hình doanh nghiệp sang công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần.
>>>> Xem thêm bài viết: Doanh nghiệp tư nhân có được phát hành trái phiếu?
4. Các câu hỏi thường gặp
Có những trường hợp ngoại lệ nào cho phép doanh nghiệp tư nhân phát hành chứng khoán không?
Hiện tại, pháp luật không có quy định ngoại lệ cho phép doanh nghiệp tư nhân phát hành chứng khoán. Doanh nghiệp tư nhân muốn phát hành chứng khoán phải thực hiện chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp phù hợp như công ty cổ phần.
Doanh nghiệp tư nhân cần thực hiện những thủ tục gì để chuyển đổi thành loại hình doanh nghiệp có thể phát hành chứng khoán?
Doanh nghiệp tư nhân cần thực hiện các thủ tục chuyển đổi thành công ty cổ phần hoặc công ty trách nhiệm hữu hạn. Các thủ tục bao gồm việc thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, và tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến phát hành chứng khoán.
Những rủi ro nào mà doanh nghiệp tư nhân có thể gặp phải nếu vi phạm quy định về phát hành chứng khoán?
Nếu doanh nghiệp tư nhân vi phạm quy định về phát hành chứng khoán, có thể phải đối mặt với các hình thức xử phạt hành chính, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Doanh nghiệp cũng có thể mất uy tín trên thị trường và gặp khó khăn trong việc huy động vốn sau này.
Việc doanh nghiệp tư nhân không được phát hành chứng khoán không chỉ bảo vệ nhà đầu tư mà còn giúp doanh nghiệp tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi. Hiểu rõ quy định này sẽ giúp chủ doanh nghiệp đưa ra những quyết định tài chính hợp lý và phù hợp với pháp luật. Nếu gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu, hãy liên hệ ACC Đồng Nai để được tư vấn trực tiếp và nhanh nhất.