Theo dự thảo Đề án Sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Bình Phước và tỉnh Đồng Nai, sau khi sáp nhập, tỉnh Đồng Nai mới sẽ có 95 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 175 đơn vị so với trước đây, đạt tỷ lệ giảm 64,81%. Việc sáp nhập nhận được sự đồng thuận cao, với 95% cử tri Đồng Nai và 97% cử tri Bình Phước tán thành.

Tỉnh Đồng Nai mới sẽ có diện tích hơn 12.700 km², dân số trên 4,2 triệu người, bao gồm 23 phường và 72 xã. Trung tâm hành chính – chính trị được đặt tại phường Trấn Biên, TP. Biên Hòa. Trong số 95 đơn vị cấp xã, 7 đơn vị được giữ nguyên do đáp ứng tiêu chuẩn về diện tích và dân số, gồm: phường Tam Phước, Phước Tân (TP. Biên Hòa), xã Thanh Sơn (huyện Định Quán), xã Đak Lua (huyện Tân Phú), xã Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu) của Đồng Nai; và xã Bù Gia Mập, xã Đăk Ơ (huyện Bù Gia Mập) của Bình Phước.
Về tổ chức bộ máy, tỉnh Đồng Nai mới dự kiến có 14 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 96 phòng chuyên môn và 156 đơn vị sự nghiệp công lập. HĐND tỉnh Đồng Nai mới (khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026) sẽ tiếp tục theo tên gọi và khóa của tỉnh Đồng Nai trước sáp nhập, gồm các ban: Pháp chế, Kinh tế – Ngân sách, Văn hóa – Xã hội và Dân tộc.
Để đảm bảo quá trình sáp nhập diễn ra suôn sẻ, UBND tỉnh Đồng Nai được yêu cầu hoàn thiện hồ sơ, bản đồ và đề án trước ngày 1/5/2025, đồng thời rà soát phương án xử lý các vấn đề liên quan đến bàn giao chính quyền địa phương cấp huyện từ ngày 1/7/2025. Công tác quản lý văn thư, lưu trữ cũng được chú trọng để tránh thất lạc tài liệu.
Việc sáp nhập hai tỉnh nhằm tinh gọn bộ máy, tối ưu hóa nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao đời sống người dân. Tỉnh Đồng Nai mới được kỳ vọng trở thành trung tâm phát triển mới tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tận dụng tiềm năng công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp của cả hai địa phương.
Nguồn: Báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh
HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN