Quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân theo Quyết định 905/QĐ-TCT

Trong bối cảnh hệ thống thuế ngày càng phức tạp, việc nắm vững quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân là một yếu tố quan trọng đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Quyết định 905/QĐ-TCT đã định rõ quy trình này, mở ra những cơ hội và thách thức mới đối với người nộp thuế. Bài viết này sẽ đi sâu vào tìm hiểu về “Quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân theo Quyết định 905/QĐ-TCT“.

Quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân theo Quyết định 905/QĐ-TCT

TỔNG CỤC THUẾ
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———

Số 905/QĐ-TCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 07 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH HOÀN THUẾ

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế, các Luật thuế, Pháp Lệnh thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Quyết định số 115/2009/QĐ-TTg ngày 28/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính và các văn bản quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế;

Căn cứ Quyết định số 78/2007/QĐ-BTC ngày 18/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của người nộp thuế theo cơ chế “một cửa”;

Căn cứ Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 94/2010/TT-BTC ngày 30/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá xuất khẩu;

Căn cứ Thông tư số 92/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế giá trị gia tăng đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kê khai và kế toán thuế thuộc Tổng cục Thuế;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình hoàn thuế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1458/QĐ-TCT ngày 14/10/2009 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành Quy trình hoàn thuế.

Điều 3. Thủ trưởng các Vụ và đơn vị tương đương thuộc và trực thuộc Tổng cục Thuế; Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận, huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TỔNG CỤC THUẾ

Bùi Văn Nam

 

QUY TRÌNH HOÀN THUẾ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 905/QĐ-TCT ngày 01/7/2011 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)

Phần Một

QUY ĐỊNH CHUNG

I. MỤC ĐÍCH

– Xác định cụ thể nội dung và trình tự công việc cơ quan thuế, công chức thuế thực hiện giải quyết hoàn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế;

– Nhằm cải cách thủ tục hành chính trong việc giải quyết hoàn thuế cho người nộp thuế.

– Nhằm hướng dẫn người nộp thuế thực hiện đúng các thủ tục hành chính và các quy định của pháp luật thuế, Luật Quản lý thuế về hoàn thuế; Cơ quan thuế thực hiện kiểm tra hồ sơ theo trình tự và nội dung quy định.

II. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Quy trình hoàn thuế được áp dụng đối với cơ quan Tổng cục Thuế, Cục Thuế và Chi cục Thuế trong việc giải quyết hoàn thuế theo quy định của pháp luật thuế, Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đối với các loại thuế nêu tại Điểm 2 Mục này.

2. Quy trình này được áp dụng giải quyết đối với các loại thuế và thu ngân sách nhà nước (gọi chung là thuế) theo quy định tại Điều 57 Luật Quản lý thuế:

– Hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng;

– Hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt;

– Hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân;

– Hoàn thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân theo quy định của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần;

– Hoàn phí xăng dầu theo quy định của pháp luật về phí xăng dầu;

– Hoàn các loại thuế, khoản thu khác thuộc NSNN nộp thừa.

III. NỘI DUNG CÔNG VIỆC VÀ TRÌNH TỰ GIẢI QUYẾT HOÀN THUẾ

Quy trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế bao gồm các bước công việc cụ thể sau đây:

Bước 1 – Tiếp nhận hồ sơ.

Bước 2 – Phân loại hồ sơ.

Bước 3 – Giải quyết hồ sơ:

– Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

– Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Bước 4 – Thẩm định pháp chế.

Bước 5 – Quyết định hoàn thuế.

IV. GIẢI THÍCH TỪ NGỮ

Các chữ viết tắt và từ ngữ trong Quy trình này được hiểu như sau:

– NNT: Người nộp thuế.

– NSNN: Ngân sách nhà nước.

– KBNN: Kho bạc Nhà nước.

– QHS: Ứng dụng theo dõi nhận, trả hồ sơ thuế.

– QLCV: Ứng dụng quản lý công văn-tờ trình.

– QTN: Ứng dụng quản lý nợ.

– QLT: Ứng dụng quản lý thuế

– GTGT: Giá trị gia tăng.

– CQT: Cơ quan thuế.

– Bộ phận tiếp nhận hồ sơ: Phòng Hành chính thuộc Văn phòng Tổng cục Thuế, Phòng thuộc Cục Thuế, Đội thuộc Chi cục Thuế có chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, bao gồm: tiếp nhận trực tiếp từ NNT (bộ phận một cửa), tiếp nhận qua đường bưu chính và tiếp nhận qua giao dịch điện tử.

– Bộ phận “một cửa”: Là bộ phận có chức năng tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế trực tiếp từ người nộp thuế theo Quy chế hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của NNT theo cơ chế “một cửa” ban hành kèm theo Quyết định số 78/2007/QĐ-BTC ngày 18/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

– Bộ phận phân loại hồ sơ: Phòng thuộc Cục Thuế, Đội thuộc Chi cục Thuế có chức năng, nhiệm vụ phân loại hồ sơ hoàn thuế.

– Bộ phận giải quyết hồ sơ: Vụ/đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, Phòng thuộc Cục Thuế, Đội thuộc Chi cục Thuế có chức năng, nhiệm vụ thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế có liên quan, bao gồm: giải quyết hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau; giải quyết hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

– Bộ phận Pháp chế: Vụ Pháp chế thuộc Tổng cục Thuế, Phòng thuộc Cục Thuế, Đội thuộc Chi cục Thuế có chức năng nhiệm vụ thực hiện công tác pháp chế về thuế.

– Bộ phận QLN: Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế thuộc Tổng cục Thuế, Phòng thuộc Cục Thuế, Đội thuộc Chi cục Thuế có chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý nợ thuế.

– Bộ phận KK&KTT: Vụ Kê khai và kế toán thuế thuộc Tổng cục Thuế, Phòng Kê khai và kế toán thuế thuộc Cục Thuế; Đội Kê khai-kế toán thuế hoặc Đội Kê khai-kế toán thuế và tin học thuộc Chi cục Thuế.

– Bộ phận HCVT: Phòng Hành chính thuộc Văn phòng Tổng cục Thuế, Phòng thuộc Cục Thuế, Đội thuộc Chi cục Thuế có chức năng, nhiệm vụ thực hiện công tác hành chính, văn thư.

– Bộ phận Kiểm tra sau hoàn thuế: Phòng thuộc Cục Thuế, Đội thuộc Chi cục Thuế có chức năng, nhiệm vụ kiểm tra sau hoàn thuế tại trụ sở NNT.

– Bộ phận Tin học: Phòng Tin học thuộc Cục Thuế; Đội Tin học hoặc Đội Kê khai-kế toán thuế và tin học thuộc Chi cục Thuế.

– Bộ phận KTNB: Phòng Kiểm tra nội bộ thuộc Cục Thuế; Đội Kiểm tra nội bộ thuộc Chi cục Thuế.

Các bộ phận chức năng nêu trên thực hiện theo đúng quy định hiện hành của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của CQT các cấp.

– Thông tư số 28/2011/TT-BTC: Thông tư số 28/2011/TT-BTC ngày 28/02/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế, hướng dẫn thi hành Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 và Nghị định số 106/2010/NĐ-CP ngày 28/10/2010 của Chính phủ.

– Thông tư số 128/2008/TT-BTC: Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu NSNN qua KBNN.

– Quyết định số 78/2007/QĐ-BTC: Quyết định số 78/2007/QĐ-BTC ngày 18/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của NNT theo cơ chế “một cửa”.

– Thông tư số 92/2010/TT-BTC: Thông tư số 92/2010/TT-BTC ngày 17/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục gia hạn nộp thuế và hoàn thuế GTGT đối với thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng nằm trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp.

– Thông tư số 94/2010/TT-BTC: Thông tư số 94/2010/TT-BTC ngày 30/6/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện hoàn thuế GTGT đối với hàng hoá xuất khẩu.

Phần Hai

NỘI DUNG QUY TRÌNH

A. GIẢI QUYẾT HOÀN THUẾ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA CỤC THUẾ, CHI CỤC THUẾ

I. HOÀN THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Bước 1: Tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế

Việc tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của NNT được thực hiện theo quy định của Quy chế hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế, quản lý thuế và giải quyết các thủ tục hành chính thuế của NNT theo cơ chế “một cửa” ban hành kèm theo Quyết định số 78/2007/QĐ-BTC. Cụ thể như sau:

1. Hồ sơ hoàn thuế gửi qua đường bưu chính, bộ phận HCVT tiếp nhận hồ sơ thực hiện:

– Đăng ký văn bản “đến” theo quy định.

– Nhập vào chương trình ứng dụng QHS của ngành Thuế.

– Chuyển hồ sơ đến bộ phận “một cửa” ngay sau khi hoàn thành nhập dữ liệu vào ứng dụng QHS .

2. Hồ sơ hoàn thuế nộp trực tiếp tại bộ phận “một cửa” và hồ sơ do bộ phận HCVT chuyển đến, bộ phận “một cửa” thực hiện:

– Kiểm tra tính đầy đủ, đúng thủ tục, hợp pháp của hồ sơ hoàn thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

– Trường hợp hồ sơ hoàn thuế chưa đầy đủ, đúng thủ tục:

+ Hồ sơ hoàn thuế nhận trực tiếp từ NNT: Hướng dẫn, cung cấp mẫu biểu cho NNT để bổ sung, điều chỉnh hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

+ Hồ sơ hoàn thuế nhận qua đường bưu chính: Lập Thông báo hồ sơ chưa đủ thủ tục (mẫu số 01/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này) chuyển bộ phận HCVT gửi NNT. Thời gian thực hiện chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hoàn thuế.

– Trường hợp hồ sơ hoàn thuế nhận trực tiếp tại bộ phận “một cửa” đã đầy đủ, đúng thủ tục, thực hiện:

+ Đăng ký văn bản “đến” theo quy định.

+ Nhập vào chương trình ứng dụng QHS của ngành Thuế.

+ Lập và in Phiếu hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho NNT từ chương trình ứng dụng QHS của ngành Thuế để gửi NNT và lưu 01 bản; thời gian hẹn trả kết quả giải quyết là 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày CQT nhận đủ hồ sơ hoàn thuế theo quy định và ghi thêm dòng “Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, CQT sẽ có thông báo gửi NNT ngay sau khi có kết quả phân loại hồ sơ”.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên là ngay khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của NNT.

3. Hồ sơ hoàn thuế gửi đến qua giao dịch điện tử: Bộ phận “một cửa” tiếp nhận hồ sơ thực hiện tiếp nhận, kiểm tra thông qua hệ thống xử lý dữ liệu điện tử theo quy định. Hồ sơ NNT gửi đến CQT thông qua giao dịch điện tử phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

– Trường hợp hồ sơ hoàn thuế chưa đầy đủ, đúng thủ tục theo quy định thì lập và gửi thư điện tử cho NNT thông báo hồ sơ chưa đầy đủ thủ tục (mẫu số 01/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này).

– Trường hợp hồ sơ hoàn thuế đầy đủ, đúng thủ tục theo quy định thì lập và gửi thư điện tử cho NNT Phiếu hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế cho NNT từ chương trình ứng dụng QHS của ngành Thuế; thời gian hẹn trả kết quả giải quyết là 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày CQT nhận đủ hồ sơ hoàn thuế theo quy định và ghi thêm dòng “Trường hợp hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau, CQT sẽ có thông báo gửi NNT ngay sau khi có kết quả phân loại hồ sơ”.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên là ngay khi tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của NNT.

4. Bộ phận tiếp nhận hồ sơ nêu trên có trách nhiệm chuyển hồ sơ đã đầy đủ, đúng thủ tục đến bộ phận có liên quan ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ khi nhận được hồ sơ hoàn thuế của NNT tại CQT, cụ thể:

– Hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân chuyển đến bộ phận có chức năng quản lý thuế thu nhập cá nhân để thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế.

– Hồ sơ hoàn thuế khác chuyển đến bộ phận phân loại hồ sơ hoàn thuế theo chức năng quy định.

5. CQT không trả lại hồ sơ hoàn thuế kể cả trường hợp có đề nghị của NNT khi các bộ phận tiếp nhận hồ sơ nêu trên đã chuyển hồ sơ đến bộ phận phân loại hồ sơ hoàn thuế.

Bước 2: Phân loại hồ sơ hoàn thuế

Bộ phận phân loại hồ sơ hoàn thuế thực hiện:

– Kiểm tra, đối chiếu với quy định hiện hành để phân loại hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau hoặc kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Trong quá trình phân loại nếu xác định hồ sơ không thuộc trường hợp được hoàn thuế: Dự thảo Thông báo về việc không được hoàn thuế (mẫu số 02/HT-TB ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC) kèm theo toàn bộ hồ sơ, trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT.

– Lập Phiếu phân loại hồ sơ hoàn thuế (mẫu số 02/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này).

– Hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau: Chuyển đến bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

– Hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau: Dự thảo Thông báo hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (mẫu số 01/HT-TB ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC , trong đó ghi rõ thời hạn giải quyết hồ sơ) kèm theo hồ sơ, trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT và chuyển đến bộ phận giải quyết hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ do bộ phận tiếp nhận hồ sơ chuyển đến.

Bước 3: Giải quyết hồ sơ hoàn thuế

1. Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau:

Bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế:

a) Phân tích hồ sơ hoàn thuế:

– Căn cứ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của NNT và số liệu kê khai của NNT có tại CQT, như:

+ Đối chiếu thông tin trên hồ sơ hoàn thuế với dữ liệu đăng ký thuế trên hệ thống tin học của CQT;

+ Đối chiếu số thuế đề nghị hoàn và các số liệu liên quan đến số thuế hoàn trên hồ sơ hoàn thuế với dữ liệu khai thuế hàng tháng của NNT có liên quan trên hệ thống ứng dụng tin học của CQT (chương trình ứng dụng QLT,…) như: số thuế đầu ra, số thuế đầu vào (lưu ý phân bổ số thuế GTGT đầu vào), số thuế đã nộp, số thuế đề nghị hoàn kỳ này (chỉ tiêu [42] trên Tờ khai thuế GTGT có liên quan), số thuế còn được khấu trừ,

– Phối hợp với bộ phận QLN để xác định số nợ tiền thuế, tiền phạt của NNT tại thời điểm hoàn thuế làm căn cứ bù trừ với số thuế được hoàn trong trường hợp còn nợ tiền thuế, tiền phạt, cụ thể:

+ Bộ phận giải quyết hồ sơ lập Phiếu xác nhận tình trạng nợ thuế của NNT (mẫu số 04/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này), chuyển bộ phận QLN; trường hợp NNT thuộc Cục Thuế quản lý trực tiếp nhưng tiền thuê đất, tiền sử dụng đất do Chi cục Thuế quản lý hoặc NNT do Chi cục Thuế này quản lý nhưng có dự án sử dụng đất hoặc được thuê đất ở huyện, thị xã, quận khác trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải chuyển Phiếu xác nhận tình trạng nợ thuế đến Chi cục Thuế nơi phát sinh khoản thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất.

+ Bộ phận QLN, Chi cục Thuế xác nhận số tiền thuế, tiền phạt còn nợ, tính chất nợ (tính đến thời điểm xác nhận nợ) và chuyển cho bộ phận đã đề nghị đối chiếu nợ.

Thời hạn bộ phận QLN, Chi cục Thuế phải chuyển kết quả đối chiếu nợ cho bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế chậm nhất không quá 01 (một) ngày làm việc đối với trường hợp cùng CQT và 02 (hai) ngày làm việc đối với trường hợp khác, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị đối chiếu nợ.

Phiếu xác nhận tình trạng nợ thuế của NNT và kết quả xác nhận tình trạng nợ thuế của NNT đã được cấp có thẩm quyền duyệt ký được gửi qua đường thư điện tử gắn chữ ký số. Trường hợp chưa sử dụng chữ ký số thì ngay sau đó phải gửi văn bản bằng giấy.

Trường hợp NNT vẫn còn nợ tiền thuế, tiền phạt nhưng không đề nghị bù trừ thì dự thảo Thông báo tạm dừng hoàn thuế (mẫu số 05/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này, nêu rõ lý do dừng hoàn theo quy định tại Điểm 6.4.1 Mục I Phần B Thông tư số 128/2008/TT-BTC, thời hạn dừng hoàn không quá 10 ngày kể từ ngày CQT có thông báo dừng hoàn, thời hạn này không tính vào tổng số thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định), trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT.

Hết thời hạn ghi trên Thông báo tạm dừng hoàn thuế, nếu NNT không xuất trình được chứng từ nộp thuế hoặc chưa lập giấy đề nghị hoàn trả khoản thu NSNN và ghi rõ nội dung đề nghị bù trừ khoản phải nộp gửi CQT thì xử lý bù trừ và tiếp tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

Trường hợp NNT cam kết không nợ thuế nhưng trên Sổ theo dõi thu nộp thuế và Sổ theo dõi nợ thuế của từng NNT tại CQT vẫn còn nợ thuế, bộ phận giải quyết hồ sơ phối hợp với bộ phận QLN xác định nợ chờ điều chỉnh và vẫn giải quyết hoàn thuế, đồng thời thông báo NNT đối chiếu nợ thuế với CQT.

– Trong quá trình phân tích hồ sơ hoàn thuế:

+ Đối với số thuế chưa đủ điều kiện được hoàn thuế, còn thiếu thông tin cần giải trình, bổ sung tài liệu: Dự thảo Thông báo giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu (mẫu số 01/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC), trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT.

Trường hợp NNT giải trình trực tiếp tại CQT: Lập Biên bản làm việc (mẫu số 02/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC) theo quy định; Thông báo cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ để theo dõi, ghi nhận thời hạn giải trình bổ sung của NNT.

Trường hợp NNT đã giải trình bổ sung mà chưa đủ theo yêu cầu của CQT thì dự thảo Thông báo giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu (lần 2), trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT (Thời hạn NNT giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu theo hướng dẫn tại Khoản 1(b) Điều 55 Thông tư số 28/2011/TT-BTC: không quá 10 ngày làm việc đối với thông báo lần một và 10 ngày làm việc đối với thông báo lần hai, kể từ ngày CQT có thông báo yêu cầu giải trình bổ sung; Thời gian chờ NNT giải trình, bổ sung thông tin, tài liệu không tính trong tổng số thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của CQT).

+ Đối với số thuế đã xác định đủ điều kiện được hoàn thuế: Lập Phiếu đề xuất hoàn thuế (mẫu số 06/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này) và thực hiện tiếp các công việc nêu tại Điểm 1(b) Bước này để giải quyết hoàn thuế ngay.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên chậm nhất không quá 03 (ba) ngày làm việc.

– Trường hợp hết thời hạn theo Thông báo mà NNT không giải trình bổ sung theo yêu cầu, hoặc giải trình, bổ sung (lần 2) nhưng không chứng minh được số thuế khai là đúng thì thực hiện:

+ Lập Phiếu nhận xét hồ sơ hoàn thuế (mẫu số 03/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này);

+ Dự thảo Thông báo về việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau (mẫu số 01/HT-TB ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC), trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT;

+ Chuyển hồ sơ đến bộ phận giải quyết hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau có liên quan để tiếp tục giải quyết hoàn thuế.

Thời gian thực hiện các công việc chuyển hồ sơ sang diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn giải trình bổ sung hoặc kể từ ngày nhận được văn bản giải trình bổ sung (lần 2) của NNT nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng.

b) Đề xuất hoàn thuế:

– Dự thảo Quyết định hoàn thuế mẫu số 01/QĐHT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC hoặc Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu NSNN mẫu số 02/QĐHT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC đối với số thuế được hoàn (kèm theo thông tin số tài khoản, ngân hàng/KBNN nơi NNT mở tài khoản đối với trường hợp lựa chọn hình thức hoàn trả bằng chuyển khoản hoặc số CMND/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với trường hợp lựa chọn hình thức hoàn trả bằng tiền mặt và địa chỉ của NNT để bộ phận KK&KTT có đủ căn cứ lập lệnh hoàn trả), và/hoặc Thông báo về việc không được hoàn thuế (mẫu số 02/HT-TB ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC).

– Chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị thẩm định đến bộ phận Pháp chế để thẩm định theo quy định hiện hành.

– Sau khi nhận được ý kiến thẩm định của bộ phận Pháp chế: Bộ phận giải quyết hồ sơ tổng hợp ý kiến và thực hiện:

+ Nếu kết quả thẩm định nhất trí với nội dung dự thảo: trình thủ trưởng CQT duyệt, ký quyết định hoàn thuế.

+ Nếu kết quả thẩm định không nhất trí với nội dung dự thảo: tổng hợp ý kiến và đề xuất hướng xử lý trình thủ trưởng CQT xem xét quyết định.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên chậm nhất không quá 01 (một) ngày làm việc.

2. Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau:

Bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế:

a) Kiểm tra hồ sơ tại CQT:

– Phối hợp với bộ phận QLN, Chi cục Thuế để xác định nợ thuế làm căn cứ bù trừ với số thuế được hoàn trong trường hợp còn nợ tiền thuế, tiền phạt theo quy định tại Điểm 1(a) Bước này.

– Kiểm tra sơ bộ hồ sơ hoàn thuế và dự thảo Quyết định kiểm tra hoàn thuế tại trụ sở NNT (mẫu số 03/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC), trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT.

– Đối chiếu với kế hoạch thanh tra để tránh trùng lặp.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau do bộ phận phân loại hồ sơ hoặc bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế trước, kiểm tra sau chuyển đến.

b) Kiểm tra hoàn thuế tại trụ sở NNT:

– Thực hiện các công việc kiểm tra thuế tại trụ sở NNT theo đúng quy định tại Quy trình Kiểm tra thuế của Tổng cục Thuế, trong đó xác định rõ số thuế được hoàn và số thuế không được hoàn; số nợ tiền thuế, tiền phạt.

Lưu ý:

+ Đối chiếu số liệu, chứng từ liên quan với các bảng kê kèm theo văn bản đề nghị hoàn thuế;

+ Đối chiếu, phân tích về điều kiện và thủ tục đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu để được khấu trừ, hoàn thuế GTGT đầu vào;

+ Đối chiếu, phân tích điều kiện và thủ tục đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào liên quan đến số thuế đề nghị hoàn;…

– Trường hợp NNT đến làm việc trực tiếp tại CQT theo văn bản đề nghị của CQT: Lập Biên bản làm việc (mẫu số 02/KTTT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC) theo quy định; thông báo cho bộ phận tiếp nhận hồ sơ để theo dõi, ghi nhận thời hạn làm việc của NNT.

c) Đề xuất hoàn thuế:

– Căn cứ kết luận kiểm tra hoàn thuế tại trụ sở NNT, gồm: biên bản kiểm tra; quyết định xử lý kết quả kiểm tra, kết quả xác nhận nợ và các tài liệu có liên quan (nếu có), lập Phiếu đề xuất hoàn thuế (mẫu số 06/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này).

Trường hợp số nợ tiền thuế, tiền phạt trên biên bản kiểm tra hoàn thuế có chênh lệch với kết quả xác nhận nợ của bộ phận QLN, Chi cục Thuế thì thực hiện đối chiếu lại với bộ phận QLN, Chi cục Thuế có liên quan.

– Thực hiện các bước công việc như quy định tại Điểm 1(b) Bước này để trình cấp có thẩm quyền quyết định hoàn thuế.

Thời gian thực hiện công việc nêu trên chậm nhất không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ ngày có kết luận kiểm tra hoàn thuế tại trụ sở NNT.

d) Trường hợp qua kiểm tra trước hoàn thuế tại trụ sở của NNT, nếu CQT xác định NNT có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế; hoặc CQT đã có kế hoạch thanh tra NNT, hoặc nhận được đơn khiếu nại, tố cáo NNT, hoặc nhận được yêu cầu phải thanh tra thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan thì CQT ra thông báo về việc tạm dừng giải quyết hồ sơ hoàn thuế để tiến hành thanh tra thuế gửi cho NNT và CQT sẽ tiếp tục giải quyết hồ sơ hoàn thuế ngay sau khi có kết luận thanh tra. Việc thực hiện thanh tra thuế tại trụ sở NNT theo đúng quy định tại Quy trình Thanh tra thuế của Tổng cục Thuế, trong đó xác định rõ số thuế được hoàn và số thuế không được hoàn; số nợ tiền thuế, tiền phạt.

Trường hợp việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế do một bộ phận thuộc CQT thực hiện toàn bộ các bước công việc từ phân loại hồ sơ đến khi trình đề nghị thủ trưởng CQT quyết định hoàn thuế thì bộ phận đó phải lập đầy đủ các nội dung, in và ký Phiếu đề xuất hoàn thuế (mẫu số 06/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này), không phải in Phiếu phân loại hồ sơ hoàn thuế và Phiếu nhận xét hồ sơ hoàn thuế.

Trường hợp việc thực hiện phân loại hồ sơ hoàn thuế và giải quyết hồ sơ hoàn thuế thuộc diện “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” do một bộ phận thuộc CQT thực hiện, trong quá trình giải quyết hồ sơ nếu xác định hồ sơ hoàn thuế thuộc diện “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” chuyển sang diện “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” phải chuyển cho bộ phận khác thực hiện thì lập đầy đủ các nội dung, in và ký Phiếu nhận xét hồ sơ hoàn thuế (mẫu số 03/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này), không phải in Phiếu phân loại hồ sơ hoàn thuế làm căn cứ trình thủ trưởng CQT ra thông báo hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau và chuyển kèm theo hồ sơ đến bộ phận có liên quan.

Bước 4: Thẩm định pháp chế

– Bộ phận Pháp chế thực hiện thẩm định về pháp chế đối với hồ sơ hoàn thuế theo nội dung thẩm định quy định tại Quy chế thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật và văn bản hành chính tại CQT các cấp của Tổng cục Thuế, trong đó bao gồm các nội dung như: thủ tục hồ sơ đề nghị hoàn thuế, căn cứ pháp lý xác định đối tượng và trường hợp hoàn thuế, thẩm quyền và trình tự ban hành quyết định hoàn thuế.

– Bộ phận Pháp chế chuyển trả kết quả thẩm định kèm theo toàn bộ hồ sơ đến bộ phận đã đề nghị thẩm định.

– Thời gian thẩm định chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định hoàn thuế.

Bước 5: Quyết định hoàn thuế

1. Phê duyệt hoàn thuế:

Thủ trưởng CQT duyệt hồ sơ hoàn thuế, ký quyết định hoàn thuế và các văn bản có liên quan theo thẩm quyền quy định.

Thời gian thực hiện chậm nhất không quá 02 (hai) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ trình.

2. Lưu hành văn bản hoàn thuế:

a) Bộ phận HCVT thực hiện:

– Thực hiện thủ tục đăng ký văn bản “đi” theo quy định.

– Nhập vào chương trình ứng dụng QHS của ngành Thuế đối với hồ sơ của NNT hoặc QLCV đối với trường hợp khác theo quy định.

– Chuyển quyết định hoàn thuế và các văn bản có liên quan như sau:

+ Gửi quyết định hoàn thuế và các văn bản có liên quan (nếu có) qua đường bưu chính cho NNT đối với trường hợp NNT không đến nhận trực tiếp tại CQT theo phiếu hẹn trả kết quả; trường hợp NNT đến nhận trực tiếp tại CQT theo phiếu hẹn trả kết quả thì Bộ phận HCVT chuyển cho Bộ phận “một cửa” trả kết quả giải quyết hồ sơ cho NNT.

+ Chuyển quyết định hoàn thuế và các văn bản có liên quan đến các bộ phận có liên quan thuộc CQT và lưu trữ theo chế độ quy định. Trường hợp Chi cục Thuế ban hành quyết định hoàn thuế GTGT đối với NNT không còn nợ tiền thuế, tiền phạt của các loại thuế khác và sau khi bù trừ mà NNT vẫn còn số tiền thuế được hoàn thì phải chuyển 01 bản chính quyết định hoàn thuế về Cục Thuế để lập lệnh hoàn trả. Trong mọi trường hợp hoàn thuế nêu trên, bộ phận KK&KTT được nhận 01 bản chính quyết định hoàn thuế để lập lệnh hoàn trả theo quy định.

+ Gửi các văn bản có liên quan (nếu có) cho các cơ quan có liên quan qua đường bưu chính.

b) Bộ phận “một cửa” trả kết quả giải quyết hồ sơ cho NNT đến nhận trực tiếp tại CQT theo Phiếu hẹn trả kết quả.

Trường hợp quá thời trả kết quả theo đường bưu chính mà NNT chưa nhận được kết quả giải quyết hoàn thuế thì NNT liên hệ trực tiếp với CQT và trả kết quả tại bộ phận “một cửa”.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ khi nhận được quyết định hoàn thuế và các văn bản có liên quan đã được thủ trưởng CQT ký.

3. Lập và lưu hành lệnh hoàn trả khoản thu NSNN:

Căn cứ quyết định hoàn thuế (kèm theo thông tin số tài khoản, ngân hàng/KBNN nơi NNT mở tài khoản đối với trường hợp lựa chọn hình thức hoàn trả bằng chuyển khoản hoặc số CMND/hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với trường hợp lựa chọn hình thức hoàn trả bằng tiền mặt và địa chỉ của NNT do bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế cung cấp), bộ phận KK&KTT thực hiện:

– Dự thảo Lệnh hoàn trả khoản thu NSNN (mẫu số 01/LHT ban hành kèm theo Thông tư số 28/2011/TT-BTC) trong trường hợp không còn nợ tiền thuế, tiền phạt hoặc có số tiền còn được hoàn trả sau khi đã bù trừ nợ thuế. Đối với hồ sơ hoàn thuế GTGT của NNT do Chi cục Thuế quản lý trực tiếp thì Chi cục Thuế không phải lập lệnh hoàn trả.

Căn cứ phương thức hoàn trả, quy trình hoàn thuế và bù trừ nợ, trả lãi do chậm giải quyết hoàn thuế, hình thức chi trả cho NNT như: trả bằng tiền mặt, trả vào tài khoản tại KBNN hoặc ngân hàng, hoàn trả tại KBNN khác địa bàn, để lập lệnh hoàn trả đảm bảo các đối tượng liên quan có đủ chứng từ để theo dõi, hạch toán và đối chiếu thanh toán theo quy định tại Điều 53 Thông tư số 28/2011/TT-BTC.

– Trình thủ trưởng CQT duyệt, ký lệnh hoàn trả.

– Phối hợp với bộ phận HCVT để thực hiện thủ tục đăng ký văn bản “đi” theo quy định (lệnh hoàn trả phải được đánh số thứ tự theo dõi riêng).

– Chuyển lệnh hoàn trả kèm theo 01 bản sao quyết định hoàn thuế cho KBNN có liên quan.

Thời gian thực hiện các công việc nêu trên là 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định hoàn thuế đã được thủ trưởng CQT ký.

– Căn cứ quyết định hoàn thuế, lệnh hoàn trả (đã có xác nhận của KBNN): Thực hiện hạch toán hoàn trả, thu nợ thuế, trả lãi do chậm giải quyết hoàn thuế và lưu trữ theo quy định.

Lưu ý:

– Hồ sơ luân chuyển giữa các bộ phận phải kê rõ danh mục hồ sơ và đóng thành tập để theo dõi quản lý;

– Thủ tục giao nhận hồ sơ giữa các bộ phận thực hiện theo quy định về quản lý hồ sơ thuế (hai bên ký, ghi rõ thời gian giao, nhận);

– Thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế của từng bộ phận có liên quan thuộc CQT được quy định theo các bước công việc cụ thể nêu tại Quy trình này, nhưng tổng thời gian giải quyết hoàn thuế của CQT (bao gồm cả thời gian giải quyết hoàn thuế tại Chi cục Thuế và Cục Thuế phải đảm bảo:

+ Đối với hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau chậm nhất không quá 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày CQT nhận được đủ hồ sơ theo quy định.

+ Đối với hồ sơ thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau chậm nhất không quá 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày CQT nhận được đủ hồ sơ theo quy định.

+ Đối với hồ sơ hoàn thuế theo Thông tư số 92/2010/TT-BTC và Thông tư số 94/2010/TT-BTC: Căn cứ các bước công việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế nêu trên và thời gian giải quyết hoàn thuế tại các Thông tư này, CQT tổ chức công việc và phân công cán bộ thực hiện các khâu công việc từ tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra giải quyết hồ sơ hoàn thuế đảm bảo thời gian quy định.

+ Thủ trường CQT được điều chỉnh thời gian giải quyết của từng bước công việc, từng bộ phận cho phù hợp với đặc thù của CQT nhưng phải đảm bảo đúng thời gian thực hiện theo các quy định, hướng dẫn tại các văn bản pháp luật có liên quan và đúng chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận có liên quan thuộc CQT. Việc điều chỉnh thời gian giải quyết nêu trên phải được thủ trưởng CQT ban hành văn bản để thực hiện trong thời hạn nhất định.

II. GIẢI QUYẾT HOÀN CÁC LOẠI THUẾ KHÁC

Quy trình hoàn các loại thuế khác, về cơ bản thực hiện như Quy trình hoàn thuế GTGT quy định tại Mục I/A nêu trên, riêng một số nội dung khác với Quy trình hoàn thuế GTGT được thực hiện cụ thể như sau:

1. Hoàn thuế thu nhập cá nhân

– Hồ sơ đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân, không bao gồm các loại thuế khác, chuyển đến bộ phận có chức năng, nhiệm vụ giải quyết hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân có liên quan để phân loại, giải quyết hồ sơ hoàn thuế (hoàn thuế trước, kiểm tra sau và kiểm tra trước, hoàn thuế sau).

– Thu thập thông tin, tài liệu, kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của NNT tại CQT và đề nghị các đơn vị có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu có liên quan để đối chiếu, xác minh số liệu kê khai của NNT liên quan đến hồ sơ đề nghị hoàn thuế (nếu có);

– Đối với NNT là cá nhân không kinh doanh có hồ sơ đề nghị hoàn thuế thu nhập cá nhân thuộc diện kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì bước công việc giải quyết hồ sơ hoàn thuế liên quan đến kiểm tra hồ sơ tại CQT được thực hiện như sau:

+ Đối với nội dung chưa rõ liên quan đến số thuế chưa đủ điều kiện hoàn thuế: Dự thảo văn bản đề nghị NNT đến làm việc trực tiếp tại trụ sở CQT, trình thủ trưởng CQT duyệt ký gửi NNT. Trên cơ sở kết quả làm việc với NNT để thực hiện đề xuất hoàn thuế.

+ Đối với số thuế đã xác định đủ điều kiện được hoàn thuế: thực hiện tiếp các công việc đề xuất hoàn thuế.

+ Riêng hồ sơ hoàn thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau và tạm thời không phải qua bộ phận QLN xác nhận nợ thuế.

– Đối với cá nhân kinh doanh thì thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế như đối với giải quyết hồ sơ hoàn thuế GTGT nêu trên.

2. Hoàn các loại thuế, khoản thu khác thuộc NSNN nộp thừa

Bộ phận tiếp nhận hồ sơ, sau khi thực hiện các công việc tiếp nhận hồ sơ, có trách nhiệm chuyển hồ sơ đã đầy đủ, đúng thủ tục đến Bộ phận giải quyết hồ sơ ngay trong ngày làm việc hoặc chậm nhất là đầu giờ ngày làm việc tiếp theo kể từ khi nhận được hồ sơ hoàn thuế của NNT tại CQT.

Trường hợp trong hồ sơ hoàn thuế, khoản thu khác thuộc NSNN nộp thừa đã có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc kết quả quyết toán thuế của CQT có ghi rõ số thuế, khoản thu khác thuộc NSNN nộp thừa; qua phân tích hồ sơ, CQT đã xác định số thuế, khoản thu khác thuộc NSNN đủ điều kiện được hoàn thì thực hiện đối chiếu nợ thuế của NNT đến thời điểm đề nghị hoàn và thực hiện ngay các công việc đề xuất hoàn thuế, khoản thu khác thuộc NSNN.

Tổng thời gian giải quyết hoàn các loại thuế, khoản thu khác thuộc NSNN nộp thừa chậm nhất không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày CQT nhận được đủ hồ sơ theo quy định.

III. CÁC TRƯỜNG HỢP HOÀN THUẾ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BỘ TÀI CHÍNH (TỔNG CỤC THUẾ)

1. Đối với các trường hợp hoàn thuế thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế), Cục Thuế (Chi cục Thuế) có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ hoàn thuế của NNT, bộ phận giải quyết hồ sơ thực hiện kiểm tra hồ sơ hoàn thuế (bao gồm cả việc kiểm tra tại trụ sở NNT) trình lãnh đạo Cục Thuế, có ý kiến bằng văn bản về nội dung đã kiểm tra và đề xuất xử lý; gửi cùng hồ sơ về Tổng cục Thuế, thời gian gửi hồ sơ về Tổng cục Thuế chậm nhất không quá 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của NNT.

Hồ sơ gửi Tổng cục Thuế gồm: hồ sơ của NNT, các văn bản phát sinh trong quá trình giải quyết hồ sơ và văn bản đề nghị của Cục Thuế; đồng thời Cục Thuế phải photocopy 01 bộ hồ sơ để lưu, theo dõi kết quả giải quyết.

2. Cục Thuế, sau khi nhận được văn bản giải quyết hoàn thuế của Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) thực hiện lập, ký lệnh hoàn trả theo quy định, theo dõi hạch toán nghĩa vụ thuế của NNT; đồng thời thực hiện các công việc nêu tại Mục V/A dưới đây.

IV. KIỂM TRA SAU HOÀN THUẾ

1. Bộ phận giải quyết hồ sơ thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau, hàng tháng gửi danh sách hồ sơ (do bộ phận giải quyết) đã có Quyết định hoàn thuế và Lệnh hoàn trả đến bộ phận Kiểm tra sau hoàn thuế (trường hợp ứng dụng tin học đã hỗ trợ theo dõi phân loại hồ sơ hoàn thuế, Quyết định hoàn thuế và Lệnh hoàn trả ngay trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế thì không phải thực hiện nội dung này).

2. Bộ phận Kiểm tra sau hoàn thuế: căn cứ danh sách các hồ sơ hoàn thuế thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đã có Quyết định hoàn thuế và Lệnh hoàn trả (trường hợp ứng dụng tin học đã hỗ trợ thì kiểm tra trên ứng dụng) để thực hiện kiểm tra sau hoàn thuế theo quy định. Trường hợp cần kiểm tra cụ thể hồ sơ thì yêu cầu bộ phận giải quyết hồ sơ cung cấp (có ký giao, nhận) hồ sơ hoàn thuế có liên quan.

Trường hợp kiểm tra sau hoàn thuế xác định có số thuế không đủ điều kiện được hoàn thuế thì bộ phận Kiểm tra sau hoàn thuế trình thủ trưởng CQT quyết định thu hồi số thuế đã hoàn và xử phạt theo quy định.

3. Trường hợp cần phải thanh tra: Bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế có liên quan trình lãnh đạo CQT phê duyệt giao Phòng Thanh tra thuộc Cục Thuế thực hiện thanh tra thuế theo quy định.

V. BÁO CÁO, LƯU TRỮ HỒ SƠ HOÀN THUẾ

1. Báo cáo hoàn thuế:

a) Bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế:

– Nhập các thông tin, số liệu ghi trong Phiếu phân loại hồ sơ hoàn thuế, Phiếu nhận xét hồ sơ hoàn thuế, Phiếu đề xuất hoàn thuế, quyết định hoàn thuế, lệnh hoàn trả và các văn bản có liên quan vào hệ thống dữ liệu ngành Thuế trước ngày 10 của tháng sau kỳ báo cáo đối với hồ sơ do bộ phận giải quyết. Trường hợp ứng dụng tin học đã hỗ trợ nhập các văn bản nêu trên ngay trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế thì không phải thực hiện nội dung này.

– Hàng tháng, năm lập Báo cáo chi tiết kết quả hoàn thuế (mẫu số 09a/QTr-HT và mẫu số 09b/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này) và Báo cáo tổng hợp kết quả hoàn thuế (mẫu số 10/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này) đối với trường hợp hoàn thuế do bộ phận giải quyết, kèm theo nội dung báo cáo đánh giá, phân tích tình hình hoàn thuế, các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế và các kiến nghị, đề xuất, chuyển bộ phận KK&KTT tổng hợp trước ngày 10 của tháng sau kỳ báo cáo theo các nội dung như sau:

+ Kết quả hoàn thuế trong kỳ báo cáo, tỷ lệ (%) so với cùng kỳ báo cáo và so với luỹ kế. Riêng thuế GTGT bổ sung thêm: Tỷ lệ (%) so với dự toán hoàn thuế; Số lượng hồ sơ đề nghị hoàn thuế và số tiền thuế đề nghị hoàn, số lượng hồ sơ hợp lệ, số lượng hồ sơ đã giải quyết, số lượng hồ sơ chưa giải quyết; Báo cáo về quỹ hoàn thuế.

+ Nhận xét, đánh giá:

• Về số lượng và mức đúng, sai phạm về hồ sơ đề nghị hoàn thuế của NNT;

• Về số hồ sơ đề nghị hoàn, số hồ sơ đã giải quyết, số thuế đã hoàn, phân rõ hoàn hàng hoá xuất khẩu, ODA, đầu tư, trường hợp khác;

• Về thời gian giải quyết hồ sơ của CQT, nguyên nhân hồ sơ tồn đọng chưa giải quyết, các sai phạm của hồ sơ được phát hiện trong quá trình kiểm tra hoàn thuế (nếu có).

+ Phân tích, đánh giá các nguyên nhân chủ yếu làm tăng, giảm số tiền hoàn thuế tại địa phương, phân tích theo các sắc thuế và trường hợp hoàn thuế; từng lĩnh vực, ngành nghề sản xuất kinh doanh chủ yếu trên địa bàn có phát sinh số thuế hoàn lớn; có dẫn chứng ở một số doanh nghiệp cụ thể (tên doanh nghiệp và số thuế hoàn).

+ Những vi phạm, dấu hiệu vi phạm, gian lận thuế liên quan dến hoàn thuế.

+ Biện pháp tăng cường quản lý hoàn thuế, hiệu quả.

+ Những vướng mắc, kiến nghị và đề xuất.

b) Bộ phận kiểm tra sau hoàn thuế, hàng tháng, năm, phối hợp với bộ phận QLN lập Báo cáo chi tiết kết quả kiểm tra sau hoàn thuế và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra sau hoàn thuế (mẫu số 07/QTR-HT và mẫu số 08/QTr-HT ban hành kèm theo Quy trình này) đối với trường hợp kiểm tra sau hoàn thuế do bộ phận giải quyết, kèm theo nội dung báo cáo đánh giá, phân tích tình hình kiểm tra sau hoàn thuế, các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế và các kiến nghị, đề xuất, chuyển 01 bản cho bộ phận KK&KTT để tổng hợp đánh giá trước ngày 10 của tháng sau kỳ báo cáo.

c) Bộ phận KK&KTT:

– Căn cứ quyết định hoàn thuế và lệnh hoàn trả đã có xác nhận của KBNN để hạch toán và theo dõi nghĩa vụ thuế của NNT theo quy định hiện hành.

– Định kỳ lập báo cáo thống kê và kế toán thuế theo chế độ quy định hiện hành.

– Hàng tháng, năm phối hợp với các bộ phận có liên quan (trường hợp có ứng dụng tin học hỗ trợ lập báo cáo, các bộ phận có liên quan chịu trách nhiệm rà soát số liệu trên các báo cáo, bộ phận KK&KTT có trách nhiệm tổng hợp) để tổng hợp các mẫu biểu Báo cáo chi tiết kết quả kiểm tra sau hoàn thuế (mẫu số 07/QTr-HT), Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra sau hoàn thuế (mẫu số 08/QTr-HT), Báo cáo chi tiết kết quả hoàn thuế (mẫu số 09a/QTr-HT, mẫu số 09b/QTr-HT), Báo cáo tổng hợp kết quả hoàn thuế (mẫu số 10/QTr-HT), kèm theo nội dung đánh giá, phân tích tình hình hoàn thuế của toàn CQT, các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm tra sau hoàn thuế và các kiến nghị, đề xuất, trình thủ trưởng CQT duyệt, ký gửi CQT cấp trên trực tiếp. Cục Thuế gửi Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra sau hoàn thuế (mẫu số 08/QTr-HT), Báo cáo tổng hợp kết quả hoàn thuế mẫu số 10/QTr-HT kèm theo nội dung đánh giá, phân tích tình hình hoàn thuế, kiểm tra sau hoàn thuế của toàn CQT, các biện pháp tăng cường công tác quản lý hoàn thuế, kiểm tra sau hoàn thuế và các kiến nghị, đề xuất về Tổng cục Thuế.

d) Thời hạn gửi báo cáo CQT cấp trên trực tiếp: Chi cục Thuế gửi các báo cáo lên Cục Thuế trước ngày 15 của tháng sau kỳ báo cáo; Cục Thuế gửi lên Tổng cục Thuế trước ngày 20 của tháng sau kỳ báo cáo.

2. Lưu trữ hồ sơ:

Các bộ phận có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của NNT, quyết định hoàn thuế, lệnh hoàn trả, các văn bản, tài liệu có liên quan trong quá trình giải quyết hoàn thuế theo từng NNT như sau:

– Bộ phận giải quyết hồ sơ hoàn thuế có trách nhiệm lưu trữ hồ sơ hoàn thuế có liên quan do bộ phận giải quyết.

Bộ phận KK&KTT có trách nhiệm lưu trữ bản chính lệnh hoàn trả đã có xác nhận của KBNN.

Sau 01 (một) năm kể từ ngày ký quyết định hoàn thuế, các bộ phận nêu trên thực hiện chuyển hồ sơ đến bộ phận lưu trữ thuộc CQT để thực hiện lưu trữ theo quy định.

– Bộ phận thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế có trách nhiệm lưu trữ biên bản kiểm tra, thanh tra và hồ sơ hoàn thuế theo quy định.

– Bộ phận tin học có trách nhiệm tham mưu giúp thủ trưởng CQT chỉ đạo triển khai thực hiện việc lưu trữ an toàn, đầy đủ, bảo mật các cơ sở dữ liệu liên quan đến hoàn thuế của NNT trên hệ thống máy tính của ngành Thuế theo quy định của Tổng cục Thuế.

B. GIẢI QUYẾT HOÀN THUẾ THUỘC THẨM QUYỀN CỦA BỘ TÀI CHÍNH (TỔNG CỤC THUẾ)

I. GIẢI QUYẾT HỒ SƠ HOÀN THUẾ

1. Đối với hồ sơ hoàn thuế, CQT quản lý trực tiếp NNT (Cục Thuế, Chi cục Thuế thực hiện tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo quy định tại Điểm 1 Mục III/A nêu trên.

2. Các Vụ/đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Thuế thực hiện tiếp nhận, thẩm định hồ sơ và trình lãnh đạo Tổng cục Thuế quyết định hoặc báo cáo lãnh đạo Tổng cục Thuế trình lãnh đạo Bộ Tài chính quyết định theo thẩm quyền và quy chế làm việc của Tổng cục Thuế.

3. Sau khi văn bản giải quyết hoàn thuế đã được cấp có thẩm quyền ký, Phòng Hành chính-Lưu trữ thực hiện thủ tục đăng ký văn bản “đi” theo quy định, nhập dữ liệu văn bản ban hành vào chương trình ứng dụng QLCV của ngành Thuế và gửi các văn bản có liên quan cho NNT, các cơ quan có liên quan và Cục Thuế, Chi cục Thuế (nếu có), các Vụ/đơn vị trong Tổng cục Thuế theo quy định hiện hành.

II. BÁO CÁO, LƯU TRỮ HỒ SƠ HOÀN THUẾ

– Các Vụ/đơn vị giải quyết hồ sơ hoàn thuế, hàng tháng, năm, lập mẫu biểu báo cáo (theo các mẫu biểu ban hành kèm theo Quy trình này) đối với trường hợp hoàn thuế do Vụ/đơn vị giải quyết, kèm theo nội dung báo cáo đánh giá, phân tích tình hình hoàn thuế nêu tại Điểm 1(c) Mục V/A nêu trên. Đồng thời thực hiện tổng hợp báo cáo tình hình hoàn thuế của toàn ngành Thuế theo báo cáo của các Cục Thuế.

Hàng quý, năm phối hợp với các Vụ/đơn vị có liên quan để tổng hợp, phân tích kết quả hoàn thuế của toàn ngành Thuế và đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý thuế để báo cáo lãnh đạo Tổng cục.

– Các Vụ/đơn vị giải quyết hồ sơ hoàn thuế thực hiện lưu trữ hồ sơ hoàn thuế theo từng NNT. Sau 01 (một) năm kể từ ngày ký quyết định hoàn thuế, các Vụ/đơn vị thực hiện chuyển hồ sơ đến Phòng Hành chính-Lưu trữ để thực hiện lưu trữ hồ sơ theo quy định.

– Cục Ứng dụng công nghệ thông tin có trách nhiệm tham mưu giúp Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế hướng dẫn việc lưu trữ an toàn, đầy đủ, bảo mật các cơ sở dữ liệu liên quan đến hoàn thuế của NNT trên hệ thống máy tính của toàn ngành Thuế.

Phần Ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Tổng cục Thuế (Vụ KK&KTT và các Vụ/đơn vị có liên quan) có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các Cục Thuế thực hiện Quy trình này; theo dõi, kiểm tra giám sát công tác hoàn thuế theo pháp luật và đúng Quy trình.

Cục Thuế có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra giám sát việc thực hiện hoàn thuế tại Cục Thuế, Chi cục Thuế theo pháp luật và đúng Quy trình. Định kỳ 06 tháng và hàng năm thực hiện báo cáo sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện hoàn thuế và kiểm tra sau hoàn thuế cùng với việc sơ kết, tổng kết công tác chung của đơn vị. Cục Thuế gửi báo cáo sơ kết, tổng kết hoàn thuế và kiểm tra sau hoàn thuế nêu trên về Tổng cục Thuế chậm nhất 05 (năm) ngày kể từ ngày sơ kết, tổng kết của đơn vị.

Thủ trưởng CQT có trách nhiệm tổ chức, bố trí phân công cán bộ thực hiện việc hoàn thuế theo đúng các nội dung công việc và thời gian quy định của Quy trình này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các Cục Thuế tổng hợp phản ánh về Tổng cục Thuế để được hướng dẫn giải quyết kịp thời./.

Hy vọng qua bài viết, ACC Đồng Nai đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về Quy trình hoàn thuế thu nhập cá nhân theo Quyết định 905/QĐ-TCT. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với ACC Đồng Nai nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.

    HÃY ĐỂ LẠI THÔNG TIN TƯ VẤN


    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *

    CAPTCHA ImageChange Image