Quy định pháp luật về thành viên hợp danh trong công ty hợp danh là nền tảng quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và công bằng trong quản lý doanh nghiệp. Những quy định này xác định rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của từng thành viên, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của công ty. Hãy cùng ACC Đồng Nai tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1. Thành viên hợp danh là gì?
Thành viên hợp danh là các đồng chủ sở hữu công ty hợp danh và phải có số lượng ít nhất là 2 thành viên. Thành viên hợp danh phải là cá nhân chịu trách nhiệm với công ty bằng toàn bộ tài sản của mình. Các thành viên hợp danh phải liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ phát sinh trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Thành viên hợp danh trong công ty thường gần gũi có mối quan hệ mật thiết với nhau về mặt nhân thân và có trình độ chuyên môn và uy tín nghề nghiệp nhất định.
Thành viên hợp danh là nhân tố quan trọng để thành lập và vận hành công ty hợp danh. Việc thay đổi thành viên hợp danh như trường hợp họ chết, mất năng lực hành vi dân sự hay rút vốn khỏi công ty sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cơ cấu vốn, hoạt động tổ chức, thậm chí là đến nguy cơ tồn tại chấm dứt của công ty.
2. Quy định pháp luật về thành viên hợp danh trong công ty hợp danh
2.1 Khái quát thành viên hợp danh
- Số lượng thành viên hợp danh tối thiểu trong công ty là hai.
- Điều kiện bắt buộc để trở thành thành viên hợp danh là tư cách cá nhân, nghĩa là các tổ chức, pháp nhân, hộ gia đình, các hội khác không thể trở thành thành viên hợp danh.
- Những công ty hợp danh kinh doanh các ngành nghề pháp luật yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề thì tất cả các thành viên hợp danh phải đều phải có chứng chỉ.
2.2 Trách nhiệm của thành viên hợp danh
Trách nhiệm của thành viên hợp danh phát sinh ngay từ khi đăng ký trở thành thành viên công ty, chịu trách nhiệm kể cả khi chưa được hưởng lợi nhuận và kéo dài đến khi thực hiện xong các nghĩa vụ, kể cả khi đã chấm dứt tư cách thành viên.
- Trách nhiệm của thành viên hợp danh đối với các nghĩa vụ của công ty là trách nhiệm vô hạn và liên đới
- Thành viên hợp danh đã chịu trách nhiệm vô hạn trong công ty hợp danh thì không thể chịu trách nhiệm vô hạn trong doanh nghiệp tư nhân hay trong một công ty hợp danh khác.
- Thành viên hợp danh không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết và được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp khi đã góp đủ phần vốn góp tại thời điểm đã cam kết.
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; Không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
- Thành viên hợp danh không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
>>>> Có thể bạn cần: Quy trình, thủ tục thành lập công ty Hợp danh tại Đồng Nai
2.3 Quyền của thành viên hợp danh
Thành viên hợp danh có quyền yêu cầu công ty bù đắp thiệt hại từ hoạt động kinh doanh nếu thiệt hại đó không phải do sai sót của mình. Thành viên hợp danh sẽ được chia lợi nhuận, phần lợi nhuận đó sẽ tương ứng với tỷ lệ vốn họ đã cam kết góp vào công ty.
Theo quy định của pháp luật, khi công ty giải thể hoặc phá sản, quyền của thành viên hợp danh là nhận lại một phần giá trị tài sản còn lại ứng với phần vốn góp của họ. Trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác thì phải tuân thủ tỷ lệ đó.
Thành viên hợp danh có quyền tham gia họp, thảo luận, đề xuất ý kiến và biểu quyết về các vấn đề của công ty. Mỗi thành viên hợp danh sẽ có một phiếu biểu quyết hoặc sẽ nhận số phiếu biểu quyết khác được quy định trong Điều lệ công ty.
Thành viên hợp danh được quyền sử dụng danh tính của công ty để tiến hành kinh doanh các ngành, nghề của công ty. Họ có quyền xem xét để đàm phán, ký kết hợp đồng và thỏa thuận với những điều kiện được xem là có lợi nhất cho công ty.
Trong trường hợp thành viên hợp danh cho công ty vay tiền của mình để thực hiện công việc kinh doanh của công ty thì thành viên đó có quyền yêu cầu công ty hoàn trả. Số tiền hoàn trả là cả gốc và lãi theo lãi suất thị trường dựa trên số tiền gốc họ đã ứng trước đó.
Thành viên hợp danh khi xét thấy cần thiết thì có quyền kiểm tra tài sản, sổ kế toán, báo cáo thuế và các tài liệu khác của công ty. Thành viên sẽ có quyền yêu cầu công ty hoặc các thành viên hợp danh khác báo cáo về về tình hình kinh doanh của công ty.
Thành viên hợp danh có quyền sử dụng con dấu hoặc các tài sản khác của công ty để thực hiện hoạt động kinh doanh các ngành, nghề của công ty. Ngoài ra, thành viên sẽ còn các quyền khác theo quy định của Luật pháp và Điều lệ công ty.
2.4 Nghĩa vụ của thành viên hợp danh
Tương ứng với những quyền của thành viên hợp danh mà họ được hưởng, thành viên hợp danh phải quản lý và thực hiện công việc kinh doanh một cách trung thực, cẩn thận. Nghĩa vụ của họ là đảm bảo lợi ích hợp pháp tối đa cho công ty.
Thành viên hợp danh phải tiến hành quản lý và thực hiện hoạt động kinh doanh theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ công ty. Nếu không tuân theo quy định và gây thiệt hại cho công ty thì thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại đã gây ra.
Trong trường hợp thành viên sử dụng tên công ty, danh tính người khác để trục lợi từ hoạt động kinh doanh và không đem nộp cho công ty. Khi đó, nghĩa vụ tài chính của thành viên hợp danh là hoàn trả số tiền, tài sản mà họ đã nhận đồng thời bồi thường thiệt hại gây ra.
Nếu tài sản của công ty không đủ để thanh toán các khoản nợ, thành viên hợp danh phải cùng nhau chịu trách nhiệm thanh toán phần nợ còn lại của công ty. Họ cũng phải chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thỏa thuận trong Điều lệ công ty.
Hàng tháng, thành viên phải báo cáo trung thực, chính xác bằng văn bản về tình hình kinh doanh và kết quả kinh doanh của mình với công ty. Nếu thành viên khác yêu cầu, thành viên hợp danh phải đảm bảo cung cấp các số liệu, tình hình kinh doanh một cách trung thực.
Thành viên hợp danh của công ty không được sử dụng tài sản của công ty để trục lợi hoặc phục vụ lợi ích của cá nhân, tổ chức khác. Ngoài ra, thành viên hợp danh phải thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật và theo Điều lệ công ty.
2.5 Hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh
Quyền của thành viên hợp danh hạn chế trong các trường hợp sau:
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
- Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
2.6 Chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
Có 05 trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh như sau:
(1) Tự nguyện rút vốn khỏi công ty:
- Thành viên hợp danh có quyền rút vốn khỏi công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận.
- Thành viên muốn rút vốn khỏi công ty phải thông báo bằng văn bản yêu cầu rút vốn chậm nhất là 06 tháng trước ngày rút vốn và chỉ được rút vốn vào thời điểm kết thúc năm tài chính và báo cáo tài chính của năm tài chính đó đã được thông qua.
(2) Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi (Hiện hành quy định: đã chết, bị Tòa án tuyên bố là mất tích, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự), trong đó:
Đồi với trường hợp chấm dứt tư cách thành viên của thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phần vốn góp của thành viên đó được hoàn trả công bằng và thỏa đáng.
(3) Bị khai trừ khỏi công ty theo một trong các trường hợp sau:
– Không có khả năng góp vốn hoặc không góp vốn như đã cam kết sau khi công ty đã có yêu cầu lần thứ hai;
– Vi phạm quy định về hạn chế quyền đối với thành viên hợp danh, cụ thể:
- Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân; không được làm thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.
- Thành viên hợp danh không được nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.
- Thành viên hợp danh không được chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho tổ chức, cá nhân khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại.
– Tiến hành công việc kinh doanh không trung thực, không cẩn trọng hoặc có hành vi không thích hợp khác gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của công ty và thành viên khác;
– Không thực hiện đúng nghĩa vụ của thành viên hợp danh.
(4) Chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật.
(5) Các trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
Lưu ý: Tư cách thành viên hợp danh không thể chuyển nhượng hay thừa kế.
>>>> Có thể bạn cần: Thủ tục sáp nhập Công ty hợp danh tại Đồng Nai
3. Các câu hỏi thường gặp
Thành viên hợp danh của công ty hợp danh là cá nhân hay tổ chức?
Theo như các quy định trên thì thành viên hợp danh phải là cá nhân, không thể là tổ chức được. Trong khi đó, thành viên góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân.
Sự khác biệt giữa thành viên hợp danh và các loại thành viên khác trong công ty hợp danh là gì?
Thành viên hợp danh có trách nhiệm vô hạn và liên đới về nghĩa vụ tài chính của công ty, trong khi các loại thành viên khác, như thành viên góp vốn, chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty. Thành viên hợp danh cũng có quyền tham gia quản lý công ty, còn thành viên góp vốn thường không có quyền này.
Những điều kiện nào cần thiết để trở thành thành viên hợp danh?
Để trở thành thành viên hợp danh, cá nhân cần đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật, bao gồm năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc các trường hợp bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp, và phải cam kết chịu trách nhiệm vô hạn với các nghĩa vụ của công ty.
Hiểu rõ và tuân thủ các quy định pháp luật về thành viên hợp danh trong công ty hợp danh không chỉ giúp đảm bảo tính hợp pháp trong hoạt động kinh doanh mà còn tăng cường sự tin tưởng và hợp tác giữa các thành viên. Điều này đóng góp quan trọng vào sự ổn định và thành công của doanh nghiệp. Nếu gặp khó khăn trong quá trình tìm hiểu, hãy liên hệ ACC Đồng Nai để được tư vấn trực tiếp và giải đáp nhanh nhất.