Việc thực hiện thủ tục thông báo hủy bỏ con dấu văn phòng đại diện là một trong những mối quan tâm tương đối quan trọng đối với doanh nghiệp. Vậy, hiện nay có cần thực hiện thủ tục thông báo hủy bỏ con dấu văn phòng đại diện không? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1. Văn phòng đại diện là gì?
Khái niệm văn phòng đại diện được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020.
Cụ thể, tại khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020, văn phòng đại diện được định nghĩa là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Văn phòng đại diện không thực hiện chức năng kinh doanh của doanh nghiệp.
2. Quy định về con dấu của văn phòng đại diện
Theo Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về dấu của doanh nghiệp như sau:
“1. Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
2. Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
3. Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, không có quy định yêu cầu bắt buộc văn phòng đại diện phải có con dấu, mà mọi quyết định sẽ thuộc về doanh nghiệp. Do đó, việc văn phòng đại diện có con dấu hay không phụ thuộc vào quyết định của doanh nghiệp hoặc điều lệ công ty.
3. Có cần phải thực hiện thủ tục thông báo hủy bỏ con dấu văn phòng đại diện không?
Trước đây, thủ tục thông báo sử dụng, thay đổi, hủy mẫu con dấu phải được thực hiện theo quy định tại Điều 34 Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
Tuy nhiên, tại khoản 5 Điều 4 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Doanh nghiệp không bắt buộc phải đóng dấu trong giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp, thông báo thay đổi nội dung đăng lý doanh nghiệp, nghị quyết, quyết định, biên bản họp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp. Việc đóng dấu đối với các tài liệu khác trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.” Như vậy, Nghị định này đã bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu con dấu doanh nghiệp.
Đồng thời, tại Phụ lục I Quyết định 885/QĐ-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã quy định bãi bỏ thủ tục hành chính là “Thông báo sử dụng, thay đổi, huỷ mẫu con dấu (đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh)”.
Tóm lại, hiện nay, pháp luật quy định không cần phải thực hiện thủ tục thông báo khi hủy bỏ con dấu văn phòng đại diện.
4. Câu hỏi thường gặp
Con dấu của doanh nghiệp được sử dụng để làm gì?
Có thể hiểu là công cụ được sử dụng để đóng lên các văn bản, giấy tờ của doanh nghiệp. Đây là dấu hiệu đặc biệt và duy nhất, nhằm phân biệt doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác. Con dấu đại diện cho tính pháp lý của tổ chức, xác nhận các quyền và nghĩa vụ pháp lý được pháp luật công nhận.
Hành vi làm giả con dấu bị phạt bao nhiêu tiền?
Trường hợp chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi làm giả con dấu sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 13 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Theo đó, đối với hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng.
Hộ kinh doanh có được phép đăng ký con dấu riêng không?
Không. Vì hộ kinh doanh tồn tại dựa trên toàn bộ tài sản của người đăng ký thành lập, không có tư cách pháp nhân và theo quy định tại Điều 5 Nghị định 99/2016/NĐ-CP về điều kiện sử dụng con dấu, thì hộ kinh doanh không đủ điều kiện sử dụng con dấu pháp nhân hay được phép đăng ký mẫu dấu và chịu sự điều chỉnh của Nghị định 99/2016/NĐ-CP về quản lý và sử dụng con dấu.
Hy vọng qua bài viết, ACC Đồng Nai đã giúp quý khách hàng hiểu rõ hơn về Thủ tục thông báo hủy bỏ con dấu văn phòng đại diện. Đừng ngần ngại hãy liên hệ với ACC Đồng Nai nếu quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc gì cần tư vấn giải quyết.